Lê Nguyên Long (1423 – 1442)

1. Thông tin

– Tên gọi: Lê Nguyên Long (黎元龍)

Tước hiệu: Quế Lâm động chủ (桂林洞主)

Miếu hiệu: Lê Thái Tông (黎太宗)

Thụy hiệu: Kế Thiên Thể Đạo Hiển Đức Thánh Công Khâm Minh Văn Tư Anh Duệ Triết Chiêu Hiến Kiến Trung Văn Hoàng đế (繼天體道顯德功欽明文思英睿仁哲昭憲建中文皇帝)

– Sinh ngày 22/12/1423 (tức ngày 20/11/Quý Mão) tại Lam Sơn, Thanh Hóa, Đại Việt (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam)

Mất ngày 7/9/1442 (tức ngày 4/8/Nhâm Tuất) (19 tuổi) tại vườn Lệ Chi, huyện Gia Định, Đại Việt (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam)

– Giới tính: Nam

– Quốc tịch: Đại Việt

Dân tộc: Kinh

– Là chính trị gia thời nhà Lê trong lịch sử Việt Nam.

2. Hôn nhân và gia đình

a) Thân thế

– Ông nộiLê Khoáng và bà nộiTrịnh Thị Thương

Ông ngoại là Phạm Hoành

– Bố là Lê Lợi và mẹ là Phạm Thị Ngọc Trần

b) Con cái

– Quan hệ gia đình với 7 vợ là Lê Thị Ngọc Dao, Lê Nhật Lệ (Lê Ngân), Nguyễn Thị Anh, Dương Thị Bí, Ngô Thị Ngọc Xuân, Ngô Thị Ngọc Dao và Bùi Thị

– Có 8 người con: (4 con trai và 4 con gái)

Con trai: Lê Nghi Dân, Lê Khắc Xương, Lê Bang Cơ, Lê Tư Thành

Con gái: Lê Ngọc Đường, An Quốc công chúa, Đà Quốc công chúa, Lê Ngọc Phương

c) Hậu duệ

– Cháu nội: Lê Hiến Tông, Lê Tranh và Lê Đống

3. Con người và tính cách

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép môt số lời bàn của các sử quan:

Vua thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di Địch. Trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ; xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi biết nối giữ cơ đồ. Song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy tai họa.

Vua là bậc hùng tài đại lược, quyết đoán chủ động. Khi mới lên ngôi, nghiền ngẫm tìm phương trị nước, đặt chế độ, ban sách vở, chế tác lễ nhạc, sáng suốt trong chính sự, thận trọng việc hình ngục, mới có mấy năm mà điển chương văn vật rực rỡ đầy đủ, đất nước đã đổi thay tốt đẹp. Các nước Trảo Oa, Xiêm La, Tam Phật Tề, Chiêm Thành, Mãn Lạt Gia vượt biển sang cống. Sau có tên bề tôi trốn tránh là Tông Lai chiêu tập bọn đi trốn làm phản, đặt niên hiệu ngụy là đứa thổ tù Nghiễm ở châu Thuận Mổi dựa vào Ai Lao dám gây biến loạn. Vua thân chỉ huy sáu quân đi giáng đòn trời phạt. Chỉ một tuần mà Tông Lai nộp đầu, hai lần mà tên Nghiễm bị bắt, thực xứng đáng là bậc vua anh hùng.

Vũ Quỳnh bàn: Khi vua lên ngôi mới có 11 tuổi, không phải nhờ buông rèm coi chính sự mà mọi việc trong nước đều tự mình quyết định, bên trong chế ngự quyền thần, bên ngoài đánh dẹp di địch. Ngài thông minh trí dũng, còn vượt lên trên cả những vua anh minh đời xưa. Huống chi, ngài lại thể theo lòng trời đất nuôi sống muôn loài, ban hành chính sách xót thương bất nhẫn của bậc đế vương, xử kiện xét tù phần nhiều khoan thứ. Đức hiếu sinh của ngài là cái đức của vua Thuấn xưa. Ôi! những người như vua có thể gọi là hết lòng với việc trị nước vậy.

Tống Lệnh Vọng bàn: Thái Tông trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn người tài, dùng người hiền nghe lời can, kính trời, chăm dân, cũng là bậc vua siêng năng. Nhưng say đắm tửu sắc, khi chết không được vẹn toàn.

Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục lại đánh giá Lê Thái Tông qua các đoạn văn: 

Lê Thái Tông cũng không phải là ông vua sáng suốt […] Lê Ngân trước đây, đã bào chữa cho Lê Sát, dường cùng bè đảng với kẻ ác, sao không ngay lúc bấy giờ trị tội luôn cả đi, mà lại cho vượt bậc thăng chức? Đến đây, chỉ vì cớ nhỏ nhặt, lại giết Lê Ngân: hình phạt sao quá lạm thế! […] đời Lê Thái Tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền.

4. Cuộc đời và sự nghiệp

Con thứ 2 trong gia đình ? anh em (Lê Tư Tề, Lê Nguyên Long)

Triều Lê

Năm 1425 (ngày 24/3/Ất Tỵ) khi 2 tuổi, mẹ mất

Lê Lợi tiến quân vây thành Nghệ An, giặc Minh ra sức chống giữ, thế lực chưa phân thắng bại. Quân doanh của Lê Lợi tạm đóng cạnh đền thờ thần Phổ Hộ bên bờ sông Lam thuộc làng Trào Khẩu, đêm ngủ Lê Lợi chiêm bao thấy một vị thần báo mộng cho mình rằng:

– Tướng quân nhường cho tôi một người thiếp, tôi hứa hết sức phù hộ tướng quân đánh thắng giặc, giữ vững nghiệp đế.

Tỉnh dậy nghĩ lại những chuyện xưa, hôm sau Lê Lợi cho gọi tất cả những người vợ của mình đến hỏi rằng:

– Có ai chịu đi làm vợ thủy thần không? Sau này khi ta lấy được nước, sẽ lập con của người đó làm thiên tử.

Các bà phi đều im lặng, không nói gì. Chỉ có bà Phạm Thị Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa:

– Nếu vì nghiệp lớn của Minh Công thì thiếp tự nguyện xả thân; ngày sau mong Minh Công giữ lời hứa, chớ phụ con thiếp.

Năm 1428 (tháng 3/Mậu Thân)khi 5 tuổi, được vua cha phong làm Lương quận công (梁郡公)

Năm 1429 (tháng 1/Kỷ Dậu)khi 6 tuổi, vua cha sai Nhập nội kiểm hiệu bình chương sự Phạm Vấn, Nhập nội Đại Tư mã Lê Ngân và Nhập nội Thiếu phó Lê Văn Linh lập con trưởng là Hữu tướng quốc Lê Tư Tề làm Quốc vương, giúp coi việc nước.

Năm 1432 (Nhâm Tý) khi 9 tuổi, vua cha nhiều bệnh, chính sự nhà nước đều giao cho thân vương Lê Tư Tề nhưng thân vương mắc chứng điên cuồng, giết bừa các tì thiếp, dần dần không hợp ý vua cha.

Năm 1433 (Quý Sửu) khi 10 tuổi, vua cha vời người cháu ruột là Nhập nội Tư mã, Kỳ Lân Hổ Vệ tướng quân Lê Khôi đang trấn thủ Hóa châu về triều để bàn lập thái tử. Lê Khôi bàn nên lập Thái tử Nguyên Long, vua nghe lời.

Tháng 8/Quý Sửu vua cha giáng Lê Tư Tề làm Quận vương. Sai Nhập nội Tư khấu bình chương quân quốc trọng sự Lê Sát, Tư không Lưu Nhân Chú, Nhập nội Tư mã Nguyễn Lý và Nhập nội Thiếu úy Bùi Quốc Hưng lập Lương quận công Nguyên Long làm Hoàng thái tử.

Khi vua cha hấp hối đã gia phong cho Lê Sát làm Dương vũ Tĩnh nạn công thần, thăng Đại Tư đồ, cùng với Đô đốc Phạm Vấn và Tư khấu Lê Ngân nhận di chiếu, chịu cố mệnh giúp vua Lê Thái Tông.

Ngày 22/8/Quý Sửu vua Lê Thái Tổ qua đời.

Ngày 20/10 (tức 8/9/Quý Sửu) Thái tử Lê Nguyên Long lên ngôi Hoàng đế, ban chiếu đại xá thiên hạ và đặt niên hiệu. Triều đình Đại Việt đã cho sứ mang tờ biểu và lễ vật địa phương sang Đại Minh cầu phong và kết giao. Vua chọn ngày sinh làm Kế Thiên thánh tiết, sau đổi làm Vạn Thọ thánh tiết và xưng hiệu là Quế Lâm động chủ. Truy phong mẹ ruột làm Cung Từ Quốc Thái mẫu, sai người đem thần chủ mới vào thờ ở Thái miếu. Tôn người vợ lẽ của cha là Phạm Thị Nghiêu làm Huệ phi. Tự mình quyết định công việc triều đình

Theo lệ vua Lê Thái Tổ, trong cung không lập hoàng hậu, khi con của bà phi nào lên làm vua thì vị vua đó mới dâng tôn hiệu cho mẹ. Việc kén chọn vợ cho vua, thường lấy con em các dòng họ công thần lớn và con nhà tử tế.

Năm 1434 (Giáp Dần) khi 11 tuổi, đặt niên hiệu Thiệu Bình. Phong cho vợ thứ nhất Lê Thị Ngọc Dao làm Nguyên phi.

Triều đình xử chém tên ăn trộm Trình Đường. Viên quan Chính sự viện kiêm tham nghị Nguyễn Hân tâu rằng:

– Tên Đường trộm cắp giữa ban ngày, nhưng theo luật không đáng xử tử, không nên giết.

Vua không nghe.

Nhiều đầu bếp của các nhà quyền quý hay lấy cớ là người trong cung để ức hiếp người bán mua rẻ hàng hóa ở chợ làm dân chúng rất sợ. Có tên đầu bếp ở thái miếu Nguyễn Chú bị buộc tội ức hiếp mua rẻ hàng hóa. Vua liền sai trị tội Chú, đánh 80 trượng, thích chữ vào gáy, chuyển xuống làm lính nuôi voi và còn cho rao ba ngày để mọi người biết.

Vua ra lệnh cho quân ngự tiền và các vệ quân năm đạo chuẩn bị lương ăn trong 2 tháng, hạn đến ngày 20 tháng này phải tới địa phận Đông Kinh để điểm danh và luyện tập võ nghệ. Còn quân trấn giữ ở các trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa thì tới địa phận phủ, trấn mình để kiểm duyệt. Ai vi phạm sẽ bị trị tội. Cùng năm, 4 quan phụ đạo trấn Lạng Sơn là Hoàng Nguyên Ý, Hoàng Văn Ngạc, Nguyễn Thế Ninh và Nguyễn Công Đình nổi dậy, vua sai Lê Văn An mang quân Ngự tiền, Thiết đột và quân ở Bắc đạo đi đánh. Khi đến nơi thì Hoàng Văn Ngạc đã bị trấn binh giết chết, Hoàng Nguyên Ý đều bỏ cả vợ con chạy trốn sang đất Minh. Lê Văn An liền chia quân lùng bắt thân thích, nô tì, tài sản, gia súc của trấn quân được tới hơn nghìn người đem về dâng nộp. Vua thả hết dân thường, đem gia thuộc của bốn người cầm đầu nổi dậy ban cấp cho các quan.

Tháng 4/Giáp Dần vua nước Chiêm là Bố Đề ngờ Đại Việt có biến loạn, tự mình cầm quân áp sát biên giới, chưa rõ thực hư, mới đem quân vào Cửa Việt bắt 6 người. Dân Thuận Hóa đánh trả, bắt 2 người đem dâng.

Ngày 12/5/Giáp Dần vua sai quân dẫn 2 tù binh Chiêm tới xem, sau đó tha về. Cùng ngày, nhà vua sai Nhập nội Tư mã Lê Liệt, tổng đốc các quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, đi tuần tra các nơi thuộc Tân Bình, Thuận Hóa, nếu gặp quân Chiêm Thành vào cướp biên giới, mà có ai vi phạm quân lệnh hay sợ hãi rút lui thì cho phép chém trước tâu sau. Lại sai Nhập nội Thiếu úy Lê Khôi và Hành khiển Tổng quản Lê Truất cùng đốc suất các quân ở Tân Bình và Thuận Hóa đi theo. Bố Đề thấy Đại Việt không có sự biến gì đã rút quân từ trước. Lê Liệt đưa quân đến châu Hóa, định trở về, gặp lúc người Man ở châu Hóa là Đạo Thành bị Đạo Luận đánh, đến xin cứu viện. Lê Liệt bèn đem quân đánh giúp, bắt được hơn nghìn người và vài chục con voi mang về.

Ngày 11/7/Giáp Dần khi thấy quân dân các địa phương thường kết bè phái kiện cáo người khác, lại kéo nhau thẳng lên triều đình mà kiện, gây phiền nhiễu công việc triều chính. Hoàng đế đặt quy định rằng trừ những vụ kiện lớn, quân dân nếu có kiện cáo phải kiện ở xã mình, xã không giải quyết được mới lần lượt đưa lên theo từng cấp bậc:

Phép trị nước lấy hình pháp gọn nhẹ làm gốc. Trẫm thấy các quân nhân đều tâu báo vượt cấp, câu kết nhau để đi kiện người, bỏ phế việc của dân, quấy rối triều đình, không gì tệ hơn. Từ nay, quân hay dân nếu có vụ kiện nhỏ thì tới chổ xã quan của xã mình mà trình bày, xã quan không giải quyết được mới lên huyện, huyện không giải quyết được mới lần lượt lên lộ, lên phủ, phủ không giải quyết được thì bấy giờ được tâu lên. Các vụ kiện ruộng đất cũng thế. Các quan xét xử phải giữ phép công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng. Các vụ kiện lớn thì mới cho tâu thẳng lên.

Tháng 9/Giáp Dần Lê Sát và Bùi Cầm Hổ hay bất đồng, nhà vua phải cho họ Bùi Cầm Hổ ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn, lấy Chuyển vận sứ huyện Cổ Đằng Phan Thiên Tước làm Thị ngự sử. 

Tháng 12/Giáp Dần Phan Thiên Tước hặc tội Tổng quản tiền quân Lê Thụ là đang trong kỳ để tang Lê Thái Tổ mà lấy vợ lẽ, bắt quân lính phục vụ việc tư, xây dựng dinh thất nguy nga và sai người nhà ra nước ngoài mua bán trái phép. Vua hỏi:

– Các đại thần đều không có chuyện đó hay sao? Sao khanh chỉ tâu có một mình Thụ?

Thiên Tước trả lời:

– Đô đốc Tư khấu, Tư mã đều là bậc cố mệnh đại thần, phải giữ mình ngay thẳng để còn dẫn dắt trăm quan, làm việc đều phải theo lễ, bọn thần không thể không nói được. Vả lại, thần thấy Thụ có mấy việc nên nói gồm một thể.

Hay tin nhiều đại thần lợi dụng quân lính để làm nhà cao cửa rộng cho mình, vua sai Phan Thiên Tước đi tìm hiểu. Tra xét xong, Thiên Tước về dâng sớ kể tội những người khác cũng làm nhà mới, gồm hơn 20 người từ Tham tri Đông đạo Lê Định trở xuống chức Quản lãnh. Vua không hỏi tội các võ quan này, chỉ giao mỗi Lê Thụ xuống cho pháp ti bàn định xét xử. Các tể thần là Đô đốc Lê Vấn, Tư mã Lê Ngân đều coi Lê Thụ là bậc huân thần và tìm cách bào chữa. Vua sau đó tha các tội khác cho Thụ, chỉ tịch thu 15 lạng vàng, 100 lạng bạc do mua bán vụng trộm với nước ngoài mà có. Theo lệnh vua, người thiếp mới cưới của Thụ là Trình Thị phải rút khỏi hộ tịch của Thụ, cho chuộc lại làm người ngoài.

Hoàng đế tổ chức thi học trò (nho sĩ) trong nước. Xuống chiếu rằng:

Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu. Nhà nước ta từ thuở xưa loạn lạc, người anh tài như lá mùa thu, bậc tuấn kiện như sao buổi sớm. Thái Tổ ta buổi đầu dựng nước, mở mang nhà học, dùng cỗ Thái lao để tế Khổng Tử, rất mực sùng Nho học, trọng đạo. Nhưng vì nước mới dựng nên chưa kịp đặt khoa thi. Trẫm nối theo chí hướng người xưa, lo được nhân tài để thỏa lòng mong đợi.

Bắt đầu từ năm Thiệu Bình thứ 5 1438 thi Hương ở các đạo, năm thứ 6 thi Hội ở sảnh đường tại kinh đô. Từ đấy về sau, cứ 3 năm một lần thi lớn, coi đó làm quy định lâu dài, người nào thi đỗ, đều được ban danh hiệu Tiến sĩ xuất thân. Tất cả khoa mục của các kỳ thi quy định như sau: Kỳ thứ nhất: 1 bài kinh nghĩa, Tứ thư mỗi sách một bài, mỗi bài đều 300 chữ trở lên; Kỳ thứ hai: Chế, biểu; Kỳ thứ 3: thi, phú; Kỳ thứ 4: 1 bài văn sách từ 1000 chữ trở lên. Nhà vua còn tổ chức thi lại viên, hỏi về ám tả. Những người đỗ hạng nhất được bổ vào Quốc tử giám, hạng nhì bổ làm Sinh đồ và thuộc lại bên văn.

Khoa thi này có 1000 người đỗ đạt, được chia làm 3 bậc: bậc 1, bậc 2 được học ở Quốc tử giám, bậc 3 được đưa về học ở trường các lộ. Nhà vua cũng bổ dụng các Ngự tiền học sinh làm quan.

Năm 1435 (tháng 1/Ất Mão) khi 12 tuổi, nhà vua cho thao diễn quân đội 5 đạo đánh bộ, lại diễn tập thủy chiến ở sông Hồng.

Tháng 2/Ất Mão Minh Anh Tông sai Lễ bộ Hữu Thị lang Chương Xưởng, Hành nhân Ty Hành nhân Hầu Tấn đi theo Nguyễn Tông Trụ sang trao sắc mệnh cho vua Lê Thái Tông quyền coi việc nước.

Vị cố mệnh đại thần Đô đốc Lê Vấn chết. Lê Sát làm Thủ tướng, quyết đoán mọi việc. Lê Sát xin cử Nguyễn Trãi, Trình Thuấn Du cùng vài đại thần khác vào dạy vua, Thái Tông trả tờ tâu không nhận. Lê Sát thấy vua yêu quý hoạn quan Nguyễn Cung, khuyên vua nên giết đi, nhưng Thái Tông không nghe. Phan Thiên Tước thấy vua không chăm học, hằng ngày nô đùa với các hầu cận trong cung, bèn dâng sớ vạch ra 6 sai lầm của nhà vua:

Nay đại thần tiến cử Thiếu bảo hữu bật vào hầu giảng sách, bệ hạ đứng dậy bỏ đi không nghe, thế là một điều không nên. Tiên đế chọn người làm bảo mẫu, làm thầy để vâng mệnh dạy bảo trong cung, bệ hạ khinh rẻ, mắng chửi mà không nghe, thế là hai điều không nên. Đến như thần phi, huệ phi là bậc dì, vào cung răn dạy, thì bệ hạ sai đóng cửa trước mà không cho vào, thế là ba điều không nên. Người quản lĩnh thị vệ thấy bệ hạ không đọc sách mà cầm cung bắn chim, có khi can ngăn, thì bệ hạ không nghe, lại lấy cung bắn người ấy, thế là bốn điều không nên. Tiên đế lựa chọn con em công thần sai vào hầu bệ hạ đọc sách thì bệ hạ đều xa lánh họ mà nô đùa với bọn hầu hạ gần gũi ở trong cung, thế là năm điều không nên. Người làm vua phải tìm người tài giỏi biết nói thẳng, hết lời can ngăn và những người có công lao mà thưởng họ, nay bệ hạ lại vui đùa với bọn hoạn quan nói rồi thưởng cho chúng, thế là sáu điều không nên.

Vua rất tức giận, sai tả hữu học Lê Cảnh Xước và hoạn quan Đinh Hối dò xét nhà Phan Thiên Tước chất vấn, la mắng, ép Thiên Tước phải khai tên người tố 6 việc trên. Thiên Tước điềm tĩnh kể tên Đồng tổng quản Bắc Giang hạ vệ Lê Lãnh và khẳng định Bọn thần cốt sao yêu vua, làm hết chức trách mà thôi, dù chết cũng không sợ. Hôm sau, vua nguôi giận cho Phan Thiên Tước giữ chức cũ.

Ngày 18/9/Ất Mão triều đình bàn định riêng về ngạch thuế. Đại Tư đồ Lê Sát dự định:

Đối với những người có đất bãi trồng dâu và ruộng cấy lúa, nếu là quân nhân thì cấp 5 sào đất bãi dâu, nếu là dân thường thì cấp 4 sào làm sản nghiệp, ngoài ra còn miễn thuế khóa cho họ. Người không vợ và góa chồng thì không được miễn thuế.

Phan Thiên Tước không đồng tình, cho rằng: 

Người không vợ và góa chồng là hạng chính sách nhà vua thương đến. Nay ban ơn cho quân dân mà hạng đó không được dự, thế thì họ không phải là dân của vua ư? 

Đại Tư đồ Lê Sát cãi lại:

Quân dân bỏ sức làm việc, đóng góp thuế khóa, còn hạng không vợ góa chồng kia cho nước được gì? Vả lại, khi còn Tiên đế, chưa từng giảm nhẹ cho ai thì ông im lặng không nói gì, mà nay đã định thành lệ rồi lại cứ nói mãi không thôi là làm sao? 

Phan Thiên Tước giữ vững lập trường: 

Khi còn Tiên đế, Tước này chưa được giữ chức trách nói năng, nay chức trách phải nói, cũng muốn thành điều hay cho nhà nước mà thôi, có phải mưu lợi riêng cho mình đâu?

Cuối cùng, vua nghe theo Phan Thiên Tước, ra lệnh miễn tô 3 sào cho người cô quả.

Ngày 21/11/Ất Mão vua sai Tư mã Tây đạo Lê Bôi làm Tổng quản; Hữu bật Lê Văn Linh làm Tham đốc, đốc suất các vệ quân năm đạo và hai vạn trấn quân Nghệ An đi đánh Cầm Quý, một tù trưởng địa phương có 1 vạn quân. Thái Tông căn dặn Lê Bôi, Lê Văn Linh phải ước thúc tướng sĩ, vỗ về nhân dân, nếu có người giữ chức tổng quản, đồng tổng quản hoặc tổng tri mà vi phạm quân lệnh thì bắt giam rồi tâu xin xử tội. Đối với những người từ chức vệ đồng tri trở xuống, ai ra trận mà bất tuân hoặc bỏ chạy thì các tướng được phép chém trước tâu sau. Quan quân đi đánh thắng trận, bắt được Cầm Quỹ giải về triều.

Tháng 12/Ất Mão vua sai vệ quân các đạo và quân Thiết đột vét sông Đông Ngàn (khúc sông Đuống, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để khai thông đường vận chuyển binh lương.

Năm 1436 (Bính Thìn, Thiệu Bình thứ 3) khi 13 tuổi, dịp các con nhà lương thiện được tuyển vào cung. Gặp Ngô Thị Ngọc Dao, nhận thấy lời nói thành giáo huấn, nết na hợp khuôn phép, đối bậc trên đúng lễ độ, tiếp kẻ dưới có ân tình bèn đem lòng yêu mến, giữ lại trong cung.

Có 7 tên trộm tái phạm, chiếu luật đáng xử chém. Đại tư đồ là Lê Sát thấy giết người nhiều quá nên trong lòng ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi Thừa chỉ Nguyễn Trãi và được trả lời:

– Một lúc giết bảy người, e không phải là hành vi của bậc đại đức. Người làm vua, phải để lòng nơi nhân nghĩa, coi nhân nghĩa là chỗ đứng của mình. Tuy có lúc ra oai giận dữ, nhưng không thể như thế mãi được, xin bệ hạ lưu ý những lời của thần.

Dù các đại thần Lê Sát, Lê Ngân bài bác Nguyễn Trãi, nhưng vua cũng quyết định chỉ xử chém 2 tên, còn lại xử đi đày.

Năm 1437 (tháng 1/Đinh Tỵ) khi 14 tuổi, vua sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng soạn thảo lễ nhạc và quy chế lễ nghi cho triều đại. Nguyễn Trãi dâng lên bản vẽ khánh đá và biểu tâu. Thái Tông chấp thuận, sai thợ đá huyện Giáp Sơn lấy đá trong núi Kính Chủ để tạo khánh đá theo bản vẽ của Nguyễn Trãi.

Tháng 2/Đinh Tỵ vua khảo xét võ nghệ của các tướng hiệu. Phép khảo xét: bắn cung là một môn, ném tên là một môn, đánh mộc là một môn. Cả ba môn đều được thì cấp lương toàn phần, ai không được môn nào thì bị giảm lương, sau coi đó làm lệ thường. Minh Anh Tông sai chánh sứ là Binh bộ Thượng thư Lý Úc, phó sứ là Thông chính Ty Hữu Thông chính Lý Hanh mang chiếu sắc ấn vàng sang phong vua Lê Thái Tông làm An Nam Quốc vương (ấn nặng 100 lạng, núm hình con lạc đà, làm bằng vàng).

Tháng 5/Đinh Tỵ Lương Đăng dâng sớ cho Lê Thái Tông, có phác thảo quy chế mũ áo, nhạc khí, xa giá và số người theo hầu. Lương Đăng có nhiều ý tưởng khác với Nguyễn Trãi về số lượng, trọng lượng các nhạc khí. Thái Tông đồng ý với Lương Đăng, sai Đăng đặt ra các quy chế. Nguyễn Trãi bèn xin vua cho trả lại công việc được giao.

Vua ngày càng lớn, có óc hiểu biết phán đoán, Lê Sát vẫn cứng xẵng chuyên quyền, Thái Tông bên ngoài tỏ vẻ bao dung nhưng bên trong ngầm ghét Lê Sát. Vua cho những người cùng vây cánh với Lê Sát là Điện tiền Đô kiểm điểm Lê Ê, Hữu quân Tổng quản Lê Hiêu ra ngoài; triệu người có hiềm khích với Lê Sát là Trịnh Khả về triều làm Hành quân Tổng quản, nắm quân Cấm binh (tức quân Thiết đột) 

Tháng 7/Đinh Tỵ vua giao cho Hình quan hạch tội Lê Sát chuyên quyền. Lê Ngân và Lê Văn Linh cố giải tội cho Lê Sát nhưng nhà vua không nghe theo. Không lâu sau Thái Tông bãi chức Lê Sát, lời chiếu kể tội:

Chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét bậc hiền tài, giết Nhân Chú để hòng ra oai, truất Trịnh Khả bắt người ta phục, bãi chức tước của Ư Đài khiến đình thần không còn ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan đều bịt miệng im hơi.

Vua cũng giáng con gái Lê Sát là Lê Thị Ngọc Dao đang là Nguyên phi xuống làm thường dân, dời “kẻ bày mưu cho Sát” là Tây đạo tham tri quân dân bạ tịch Đặng Đắc ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn, sau lại bắt giam vào ngục, lột bỏ chức tước và hai chữ “Công thần” của Lê Văn Linh, ngoài ra còn phục chức Bùi Ư Đài làm Đồng tri môn hạ Tả ty sự, Bùi Cầm Hổ làm Ngự sử Trung thừa. Lấy Nhập nội Tư khấu Bắc đạo hành quân Đô tổng quản Lê Ngân làm Nhập nội Đại Đô đốc, chấp chính việc nước. Con gái Đại Đô đốc Lê Ngân là Lê Nhật Lệ được phong từ Chiêu nghi lên làm Huệ phi. Ép Lê Sát tự tử.

Tháng 8/Đinh Tỵ quân Ai Lao kéo sang quấy nhiễu châu Mã Giang và châu Mộc. Quân Đại Việt chống đánh, chém được tù trưởng Man Nữu cùng 20 người, bắt hơn 20 người khác dâng vua. Ai Lao phải cử sứ sang xin chuộc lại tù binh. Thái Tông cho phép tù binh về nước.

 Tháng 11/Đinh Tỵ vua chính thức ban bố các quy chế do Lương Đăng soạn ra.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có đoạn mô tả đại lược rằng: Về lễ thì có lễ đại triều và lễ thường triều. Tế trời, cáo miếu, ngày thánh tiết, ngày chính đám, thì làm lễ đại triều, hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc triều phục đội mũ chầu. Còn những ngày mồng một, ngày rằm hằng tháng thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc công phục, đội mũ. Lễ thường triều thì hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi sập vàng, trăm quan mặc thường phục cổ tròn, đội ô sa đen. Về nhạc thì có nhạc tế Giao, nhạc tế Miếu, nhạc tế Ngũ tự, nhạc cứu khi có nhật thực, nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc thường triều, nhạc cửu tấu khi đại yến, nhạc dùng trong cung, không thể dùng nhất loạt được. Về lỗ bộ đại giá, như xe kiệu thì có đại lộ, tượng lộ, mã lộ, có cửu long dư, thất long dư, có bộ liễn, có phi liễn; về nghi trượng thì có kim qua, phủ, việt, chàng, phướn, tinh kỳ, mao tiết, chương phiến, long ngũ phượng. Số ngựa đóng vào xe và số đội ngũ theo hầu cũng đều có quy định cả…

Đoạn khác ghi: Lỗ bộ ty đồng giám kiêm Tri điển nhạc sự Lương Đăng dâng nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh mà làm. Trước Đăng và Nguyễn Trãi đã vâng mệnh soạn định nhã nhạc. Trong đó, nhạc ở trên có tám loại thanh âm như: trống keo lớn, khánh chùm, chuông chùm, đặt các loại đàn cầm, đàn sắt, sênh, quản, thược, chúc ngữ, huân trì. Nhạc ở dưới điện thì có phương hưởng treo, khống hầu.

Hành khiển Nguyễn Trãi cùng Tham tri bạ tịch Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu dâng sớ ngăn lại nhưng Thái Tông không nghe theo. Sớ có đoạn như sau:

…quy chế lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không dựa vào đâu cả, như đánh trống là bao giờ ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu rồi mới đánh.Theo quy chế xưa, khi vua ra, thì bên tả đánh chuông hoàng chung, rồi năm chuông bên hữu ứng theo, lúc vua vào đánh chuông chưng tân rồi năm chuông cũng ứng theo. Nay vua ra chầu, đánh 108 tiếng chuông, đó là số lần đếm tràng hạt của nhà sư. Nếu theo quy chế của nhà Minh, thì khi vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, nếu di chuyển thì sợ không yên, đặt cả hai thứ cũng không được, thế là lễ nghi gì? Làm xe thì đằng trước có diềm, đằng sau mở cửa. Nay lại mở cửa đằng trước, quy chế xưa làm như thế hay sao? Khi vua ra thì có hô thét, khi vào thì có thu dẹp, đó là quy định của nghi lễ. Nay quan coi cửa xướng tâu mọi việc xong, các quan lui ra, vua con ngồi mà người thu dẹp đã la thét dọn dẹp là làm sao?

Tháng 12/Đinh Tỵ người vợ thứ 3 của Thái Tông là Nguyễn Thị Anh mách rằng, Lê Ngân sai người phù thủy làm lễ ở nhà, đúc tượng vàng Quan Thế Âm ngày ngày cầu khấn cho nhà vua yêu quý con gái mình. Thái Tông nghe đến, sai người vào nhà tra khảo, bắt được bọn phù thủy yếm và tượng vàng. Lê Ngân hoảng hốt vào triều, tâu sớ giải bày, nhưng Thái Tông quyết xử tử, ban cho ông tự vẫn tại nhà như Lê Sát, giáng Huệ phi xuống hàng Tu dung trong số cửu tần.

Nguyễn Thị Anh lại nghe câu chuyện Ngô Thị Ngọc Dao mộng Kim Đồng, đang có thai. Nói với Nhà vua là Ngọc Dao có dính líu vụ Huệ phi, đang có âm mưu giết Thái tử. Lại tính ra Ngọc Dao có thai đã quá 10 tháng mà chưa sinh, rõ ràng là yêu quái hiện vào báo hại Hoàng gia. Nguyên Long nghe lời, sai cung nỏ nhằm bụng chửa của Ngọc Dao mà bắn để trừ ma quỷ. Vừa lúc có vị Hoàng thân biết chuyện, can thiệp nên Ngọc Dao không bị bắn mà chuyển tội voi dày. Nguyễn Trãi bảo Nguyễn Thị Lộ can gián, Nguyễn Thị Lộ khuyên nhà vua không nên nghe lời xúc xiểm không đâu mà làm một việc quá ư thất đức. Nhà vua nghe lời Thị Lộ, cho Ngọc Dao được ra ở chùa Huy Văn trong kinh thành Đông Kinh (nay là chùa Dục Khánh, ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, Tp. Hà Nội, Việt Nam).

Năm 1438/Mậu Ngọ khi 15 tuổi, vua phế truất anh mình làm dân thường.

Thổ quan châu Tư Lang Hạ (Đại Việt) là Nông Nguyên Hồng xâm lấn châu An Bình và châu Tư Lăng (phủ Thái Bình – Quảng Tây), chiếm 2 động và 21 thôn, bắt 220 người nam nữ và nhiều gia súc. Minh Anh Tông sai Thang Đỉnh và Cao Dần sang trách hỏi Lê Thái Tông. Vua bèn sai sứ sang xin lỗi, nhưng tố cáo trở lại rằng chính thổ quan hai châu An Bình, Tư Lăng nước Minh đánh lấn châu Tư Lang Hạ trước. Nội dung thư của vua gửi Tu Bố chính Quảng Tây tố cáo như sau:

…Gần đây cứ bọn Nông Kính, Nông Phúc là đầu mục châu Tư Lang Hạ trấn Thái Nguyên báo cáo, xét nước tôi đã nhiều vâng sắc dụ của triều đình, giữ đất yên dân… Phiền quý Ty xét sức xuống cho bọn thổ quan Tri châu Triệu Nhân Chính ở An Bình thuộc quyền quý Ty, khiến đem những đất các thôn, động đã chiếm, số dân đã bắt trả lại cho nước tôi, rồi số thôn động và số người ấy báo lại và nghiêm cấm ước thúc châu ấy, không được xâm chiếm cướp bóc…”

Năm 1439 (tháng 3/Kỷ Mùi) khi 16 tuổi, vua muốn thống nhất cách thức đo lường và tiêu dùng tiền tệ, lụa vải, giấy tờ trong nước, bèn ban lệnh chỉ quy định:

Hễ tiền đồng thì 60 đồng là 1 tiền, lụa lĩnh thì mỗi tấm dài 30 thước, rộng 1 thước 5 tấc trở lên, vải gai nhỏ mỗi tấm dài 24 thước, rộng 1 thước 3 tấc trở lên, vải tơ chuối thì mỗi tấm dài 24 thước, vải bông thô mỗi tấm dài 22 thước, giấy thì tính 100 tờ (là 1 tập).

Vua tăng cường quân đội và tổ chức duyệt quân binh lớn cả nước.

Họ Cầm ở châu Phục Lễ nổi dậy, tướng Ai Lao là Nữu Hoa đem 3 vạn người sang giúp họ Cầm chống lại Đại Việt, vua tự mang 6 quân đi đánh.

Tháng 10/Kỷ Mùi Dương Thị Bí sinh con trai đầu là Nghi Dân, được lập làm Thái tử.

Năm 1440 (Canh Thân, Đại Bảo thứ 1) khi 17 tuổi, đổi niên hiệu Đại Bảo. Mùa xuân, vua lại đích thân đi đánh quân Hà Tông Lai ở huyện Thu Vật, huyện Tuyên Quang. Ngày 19/1 (AL) đại quân bắt được con Tông Lai là Tông Mậu, sang hôm sau chém được Tông Lai. Trên đường về nhà vua cùng quân sĩ nghỉ chân tại Động La (Thẳm báo ké), Thái Tông thấy nơi đây cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, nhà vua đã để lại bài thơ và lời tựa gồm 14 dòng, mỗi dòng 10 chữ với 140 chữ Hán khắc trên vách núi. Sử gọi là Văn bia Quế Lâm ngự chế.

Tháng 3/Canh Thân vua thân chinh đánh thổ quan Nghiễm nổi dậy ở châu Thuận Mỗi (trấn Gia Hưng). Nghiễm dâng trâu và voi tạ tội; lại gặp lúc trời đang nắng gắt nên hoàng đế thu quân về.

Năm 1441 (tháng 3/Tân Dậu) khi 18 tuổi, hoàng đế đi đánh Nghiễm lần hai. Quan quân bắt được viên tướng Ai Lao là Đạo Mông cùng vợ con ở động La, rồi bắt luôn hai con của Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Nghiễm thất thế, phải chịu quy phục triều đình. Hoàng đế về kinh sư làm lễ cáo thắng trận ở Thái Miếu.

Ngày 27/5/Tân Dậu Nguyễn Thị Anh sinh Lê Bang Cơ, bà được phong làm Thần phi.

Tháng 6/Tân Dậu phong Ngô Thị Ngọc Dao làm Tiệp dư, ngự ở cung Khánh Phương. 

Tháng 11/Tân Dậu vua ép Thái phi Phạm Thị Nghiêu phải tự sát.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư kể bà Nghiêu từng có ý phế Thái Tông, bị nhà vua cho ra Lam Kinh hầu Vĩnh Lăng (lăng Lê Thái Tổ). Sau đó bà Nghiêu vẫn bất bình, nên Thái Tông nghe lời các triều thần, ép chết.

Năm 1442 (tháng 3/Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ 3) khi 19 tuổi, mở khoa thi Hội đầu tiên của Đại Việt thời Lê. Khoa này có 450 sĩ tử tham dự, trong đó 33 người thi đỗ. Số người này sang tháng sau được dự thi Đình. Trong khoa thi Đình, nhà vua ngồi trên điện ra đề văn sách vấn. Cuối cùng nhà vua lấy 3 người Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ và Lương Nhữ Hộc đỗ Tiến sĩ cập đệ; Trần Văn Huy và 6 người khác đỗ Tiến sĩ xuất thân; Ngô Sĩ Liên và 22 người khác đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Bắt đầu từ khoa thi này có lệ đặt bia Tiến sĩ.

Nguyễn Thị Anh nói với Thái Tông phế Nghi Dân, lập Bang Cơ lên làm Thái tử.

Ngày 20/7/Nhâm Tuất, Ngô Thị Ngọc Dao sinh hạ người con trai út của Thái Tông nơi gốc cây chuối sau sân chùa, đặt tên là Lê Tư Thành. Sau thấy chùa Huy Văn không phải là nơi an toàn, Nguyễn Trãi thu xếp cho mẹ con Ngọc Dao lánh ra trấn An Bang (nay thuộc vùng Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Ngày 27/7/Nhâm Tuất vua đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời hoàng đế ngự chùa Côn Sơn, ở hương của Nguyễn Trãi.

Ngày 7/9 (tức 4/8/Nhâm Tuất) vua đi chơi ở vườn Vải, xã Đại Lại ven sông Thiên Đức, huyện Gia Định (nay thuộc Gia Bình, Bắc Ninh). Hoàng đế thức suốt đêm với vợ Nguyễn Trãi là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ rồi qua đời. Sử gọi là Vụ án Lệ Chi Viên. Các quan bí mật đưa thi hài về kinh sư rồi mới phát tang. Trong kinh, mọi người đều cho là Thị Lộ giết hoàng đế.

Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục ghi: Vua có ở với bà Nguyễn Thị Lộ nhưng cùng lúc đó bị sốt rét nên qua đời

Ngày 16/8/Nhâm Tuất luận tội giết vua, triều đình hành quyết Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ (tru di tam tộc).

5. Giải thưởng và vinh danh

Hoàng đế thứ 2 của hoàng triều Lê nước Đại Việt

Ngày 16/9/1442 (AL) triều đình an táng Lê Thái Tông ở Hựu Lăng (祐陵), bên tả Vĩnh Lăng (永陵) của Lê Thái Tổ, tại Lam Kinh, Thanh Hóa, Đại Việt. Hàn Lâm viện thị độc học sĩ kiêm Tri ngự tiền học sinh Cục Cận thị chi hậu Nguyễn Thiên Tích phụng mệnh soạn văn bia Hựu Lăng ca ngợi công đức của tiên đế. Các quan dâng miếu hiệu Thái Tông (太 宗), thụy hiệu Kế Thiên Thể Đạo Hiển Đức Thánh Công Khâm Minh Văn Tư Anh Duệ Triết Chiêu Hiến Kiến Trung Văn Hoàng Đế (繼天體道顯德功欽明文思英睿仁哲昭憲建中文皇帝).

6. Tham khảo

– Internet

vi.wikipedia.org

vnexpress.net

– Ấn phẩm

Đại Việt Sử ký Toàn thư

Lịch triều Hiến chương loại chí

Khâm định Việt sử Thông giám cương mục

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *