Nguyễn Xí (1397 – 1465)

1. Thông tin

– Tên gọi: Nguyễn Xí (阮熾) hay Lê Xí

Lập nhiều chiến công nên được mang họ của vua Lê Lợi

Hiệu: Cương Quốc công. Tước hiệu: Thái úy Sái Quận công, Thái sư Cương Quốc công, Trung Trinh Đại vương. Thụy hiệu: Nghĩa Vũ

– Sinh năm 1397 tại làng Hải Tân, xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc, tỉnh Nghệ An, Đại Việt (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Việt Nam). Gốc làng Cương Giản, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, Đại Việt (nay là tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam).

Mất ngày 18/11/1465 (69 tuổi) tại Thăng Long, Đại Việt (nay là Hà Nội, Việt Nam)

– Giới tính: Nam

– Là chính trị gia thời nhà Lê trong lịch sử Việt Nam.

2. Hôn nhân và gia đình

a) Thân thế

– Ông nộiNguyễn Hợp

– BốNguyễn HộimẹVũ Thị Hạch.

b) Hôn nhân và con cái

– Quan hệ gia đình với 3 vợ là Lê Thị Ngọc Lan, Ngô Thị Hoa, Trịnh Thị Hà.

– Có 24 người con: (16 con trai và 8 con gái)

Con trai: Nguyễn Sư Hồi, Nguyễn Bá Sương, Nguyễn Nhật Huyền, Nguyễn Bá Kiệt, Nguyễn Kế Sài, Nguyễn Phùng Thời, Nguyễn Thúc Nga, Nguyễn Tôn Cao, Nguyễn Cảnh Thanh, Nguyễn Trọng Đạt, Nguyễn Phúc Xà, Nguyễn Hữu Lượng, Nguyễn Đông Dần, Nguyễn Nhân Thực, Nguyễn Văn Chinh, Nguyễn Duy Tân.

Con gái: Nguyễn Ngọc Hỷ, Nguyễn Ngọc Lệ, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Ngọc Thái, Nguyễn Ngọc Biên, Nguyễn Ngọc Liên, Nguyễn Ngọc Kính (Ngọc Quỳnh), Nguyễn Ngọc Bình.

c) Hậu duệ

– Cháu nội: Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Đình Thả, Nguyễn Bá Nhật, Nguyễn Bá Hân, Nguyễn Thị Ngọc Đỗ, Nguyễn Quang Đạo, Nguyễn Đình Quả, Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Đình Trang, Nguyễn Đình Phú, Nguyễn Kế Bính, Nguyễn Đình Điển, Nguyễn Đình Kính (Nguyễn Kim), Nguyễn Đình Soạn, Nguyễn Thế Chương, Nguyễn Đình Đệ, Nguyễn Đình Thủy, 1, 2, Nguyễn Năng Nhơn, và 8 người cháu.

3. Con người và tính cách

Bài chế văn Lê Thánh Tông ban cho Nguyễn Xí: Nguyễn Xí vương bất vi vương, bá bất vi bá, nhi quyền khuynh thiên hạ.đầu rồng, thân hình to lớn; tính vốn trầm hùng. Giúp Cao Hoàng khi mở nước trăm trận gian nan. Giúp tiên khảo lúc thủ thành một lòng phò tá. Trong ngoài hết chức phận tướng văn, tướng võ; trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như viên ngọc không lộ sáng. Nghiêm sắc mặt ở triều, lẫm liệt như thanh kiếm mới tuốt. Các quan đều tưởng lộ phong thái; bốn biển đều trông thấy uy thanh.

4. Cuộc đời và sự nghiệp

Con thứ 2 trong gia đình có 2 anh em (Nguyễn Biện, Nguyễn Xí)

 Sự tích Ông Hoàng Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí: Một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà). Tại đây ông luôn một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân, truyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế. Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên ngã ba sông la,sông minh giang và sông Lam nơi linh từ mỏ Hạc. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời. Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười.

Cha Nguyễn Hội và anh trai Nguyễn Biện thường chở muối ra bán ở vùng Lương Giang, Thiệu Hóa, Thanh Hóa nên rất thân quen với Lê Lợi khi đó là phụ đạo ở Lam Sơn.

Ngày 23/3/1405 (Ất Dậu) khi 9 tuổi cha bị hổ vồ mà mất. Tháng 4 mẹ cũng vì thương xót mà lâm bệnh nặng rồi đột ngột qua đời sau đó 45 ngày. Ông nội tuổi đã già nên đưa 2 cháu ra trại Lam Sơn nhờ Hào trưởng Lê Khoáng cưu mang. Lớn lên Nguyễn Xí vũ dũng hơn người nên được Lê Lợi yêu như con. Bèn sai nuôi hơn 100 con chó săn, ông dùng nhạc làm hiệu lệnh khiến đàn chó nghe răm rắp, Lê Lợi thấy thế mà khen có tài làm tướng, cho quản đội quân Thiết Đột.

Tháng 1/1418 (ngày Canh Thân) Lê Lợi xưng Bình Định vương phát động khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí và anh trai Nguyễn Biện cùng tham gia. Lập công đầu trận đánh ở Lạc Thủy, Mường Thôi, Mỹ Mỹ thuộc các vùng thượng lưu sông Chu, được Lê Lợi tin tưởng giao cho chỉ huy những trận chiến quan trọng. Đặc biệt sau khi chiến thắng Chi Lăng, Xương Giang. Ngày 16 tên phản bội Ái, dẫn quân Minh đi theo đường tắt, đánh úp đằng sau, bắt gia thuộc Lê Lợi và nhiều vợ con quân dân. Quân sĩ chán nản bỏ đi, chi có anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí cùng Lê Lễ, Lê Náo, Lê Bí, Lê Đạp, Lê Xí theo Lê Lợi nương náu trên núi Chí Linh.

Tháng 8/1426 sau khi làm chủ từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lê Triện ra phía Tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông bắc; Đinh Lễ, Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan (Thăng Long, Hà Nội).

Phạm Văn Xảo phá tan viện binh Vân Nam. Quân Vân Nam chạy về cố thủ ở thành Xương Giang. Vua Minh lại sai Vương Thông, Mã Anh mang quân sang tiếp viện. Thông hợp với quân ở Đông Quan được 10 vạn, chia cho Phương Chính, Mã Kỳ. Lê Triện, Đỗ Bí đánh bại Mã Kỳ ở Từ Liêm, lại đánh luôn cánh quân của Chính. Cả hai tướng thua chạy, về nhập với quân Vương Thông ở Cổ Sở. Lê Triện lại tiến đánh Vương Thông, nhưng Thông đã phòng bị, Triện bị thua phải rút về Cao Bộ, sai người cầu cứu Nguyễn Xí.

Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ đem quân đến đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động. Nguyễn Xí bắt được thám tử của Vương Thông, ông biết Thông định chia dường, hẹn nhau khi pháo nổ thì quân mặt trước mặt sau cùng đánh úp Lê Triện. Ông và Đinh Lễ bèn tương kế tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục Tốt Động, rồi đốt pháo giả làm hiệu cho quân Minh tiến vào. Quân Vương Thông thua to, Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan.

Lê Lợi được tin thắng trận liền tiến đại quân ra bắc, vây thành Đông Quan. Nguyễn Xí được lệnh cùng Đinh Lễ mang quân vây phía nam thành.

Tháng 2/1427 tướng Minh là Phương Chính đánh úp Lê Triện ở Từ Liêm, Triện bị tử trận. Tháng 3 Vương Thông đánh trại quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ mang 500 quân thiết đột tiếp viện, đánh đuổi quân Minh đến My Động. Hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông bèn quay lại đánh, hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt mang về thành. Đinh Lễ không chịu hàng bị giết, còn Nguyễn Xí nhân một đêm mưa gió dùng mưu lừa quân gác ngục trốn thoát trở về. Lê Lợi thấy ông về thì mừng rỡ, nói rằng: Thực là sống lại. Sau đó ông lại cầm quân tham gia trận chiến Xương Giang tiếp ứng cho Lê Sát bắt được Hoàng Phúc, Thôi Tụ là đạo viện binh sót lại sau khi Liễu Thăng bị chém. Đó là trận thắng lợi kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn.

Năm 1428 (Thuận Thiên thứ 1) Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, tức Lê Thái Tổ. Nguyễn Xí được phong chức Long hổ tướng quân Suy trung bảo chính công thần, đặc ân khai quốc.

Năm 1429, khi khắc biển công thần, Nguyễn Xí được xếp hàng thứ 5, được phong làm Huyện hầu, Được Ban quốc tính Họ Vua mang tên Lê Xí.

Năm 1433, hoàng đế Lê Thái Tổ mất, ông cùng Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân nhận di chiếu của Lê Lợi phò Thái tử Lê Nguyên Long lên ngôi, tức hoàng đế Lê Thái Tông lúc mới 10 tuổi, ông giữ chức phụ nhiếp chính cai giáo hoàng đế.

Năm 1437, Lê Thái Tông phong ông làm chức quan Chính sự kiêm Tri từ tụng.

Ngày 4/8/1442 Lê Thái Tông đến trại Vải của nhà Hành khiển Nguyễn Trãi. Ngay tại trại Vải này Hoàng đế Lê Thái Tông lại bạo bệnh rồi băng hà (20 tuổi). Ông cùng Trịnh Khả, Lê Thụ nhận di chiếu phò hoàng đế Lê Nhân Tông. Ngày 12/8, đại thần là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với Đinh Liệt, Lê Bôi, tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi, lúc đó mới 2 tuổi. Lấy năm sau làm Thái Hòa (大和), ông giữ chức phụ chính đại thần.

Tháng 2/1443 (Quý Hợi, Thái Hòa thứ nhất) Lê Nhân Tông cùng quần thần mang kim sách dâng tôn hiệu Hoàng thái hậu cho Thần phi. Các đại thần dâng tờ biểu mong bà buông rèm nhiếp chính, bà khiêm nhường không chịu nhận. Quần thần dâng biểu lần thứ 4, bà mới nhận lời.

Năm 1445, vua Nhân Tông còn nhỏ, thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính, ông làm Nhập nội Đô đốc, nhận lệnh cùng Lê Thận mang quân đi đánh Chiêm Thành, nhưng chưa đi thì bị quyền thần tố cáo tội lỗi nên bị bãi chức.

Năm 1448 Nguyễn Xí được phục hồi chức Thiếu bảo tri quân dân sự. 

Năm 1450 ông được thăng chức Thái Bảo giúp việc chính sự.

Tháng 10/1459, anh khác mẹ Nhân Tông là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân làm binh biến giết thái hậu Nguyễn Thị Anh và hoàng đế Nhân Tông. Nghi Dân lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Thiên Hưng. Các đại thần Đỗ Bí, Lê Thụ, Lê Ngang mưu lật đổ vua Thiên Hưng bị bại lộ đều bị giết. Thái bảo Nguyễn Xí bàn mưu với Lê Lăng (con Lê Triện), Lê Niệm (cháu nội Lê Lai), Điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đức Trung đảo chính lần nữa nhằm lật đổ Nghi Dân.

Ông lập mưu giả mù để diệt trừ bọn phản loạn. Nén lòng giẫm chết đứa con trai chưa đầy tuổi của mình để dẹp bỏ mối nghi ngờ của bọn phản nghịch.

Năm 1460 (ngày 6/6 âm lịch) Nguyễn Xí phát động binh biến, chém bầy tôi thân cận của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban ở Nghị sự đường, nắm lấy cấm binh, đóng chặt cửa thành, sai Lê Ninh Thuận bắt vây cánh và phế vua Thiên Hưng làm Lệ Đức hầu, rước con út của Thái Tông là Tư Thành lên ngôi, tức là hoàng đế Lê Thánh Tông, mở ra một thời kỳ thịnh trị kéo dài 38 năm. Tháng 6 Nguyễn Xí được phong làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Nhập nội kiểm hiệu thái phó Bình chương quân quốc trọng sự Á quận hầu, giúp việc chính sự, ban túi kim ngư, kim ngân phù (ấn bạc), 5000 mẫu đất làm đất phong. Tháng 10 ông được phong làm Sái quận công.

Năm 1462, con Nguyễn Xí là Nguyễn Sư Hồi không hợp cánh với một số đại thần nên làm thơ vứt ra đường để vu cho họ làm loạn nhưng việc bị phát giác. Vua Thánh Tông nể công lao của ông nên không trị tội Sư Hồi. Thời gian sau được phong chức Nhập nội hữu tướng quốc.

Năm 1463 lại được phong chức Thái úy Cương Quốc Công.

Ngày 30/10/1465 (ngày Giáp Thìn, năm Ất Dậu) Nguyễn Xí qua đời, thọ 69 tuổi, Được nhà vua truy tặng làm Thái sư, thụy là Nghĩa Vũ. An táng tại Thượng Xá, Chân Phúc, Nghệ An.

5. Tác phẩm và công trình tiêu biểu

– Công trình

Người hai lần khai quốc công và khai mở dòng họ vẻ vang: 59 vị Quốc công, và Quận công, 179 vị tước hầu, 141 vị tước bá, 7 vị tước nam, 39 vị tước tứ. Đời sau ghi nhận bằng câu ca dao: Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước họ này hết quan.

– Văn bản

Di huấn

6. Giải thưởng và tôn vinh

Năm 1467 vua Lê Thánh Tông cho dựng đền thờ theo chế độ quốc tạo, quốc tế và lệnh cho Trạng nguyên Nguyễn Trung Trực viết văn bia phong thần là: Thượng đẳng phúc thần, Hiển uy chính nghị anh kiệt Trung trinh đại vương.

Đền thờ Nguyễn Xí tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Lễ hội hàng năm vào 30/1 âm lịch

Năm 1484 (Hồng Đức thứ 15) tặng làm Cương quốc công. Sau ban sắc phong thần Thượng đẳng phúc thần, Hiển uy chính nghị anh kiệt trung trinh Đại vương, dựng đền ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Tên ông được đặt cho một phố ở Hà Nội, nối từ phố Đinh Lễ tới phố Tràng Tiền

Đặt cho một con đường ở phường 13, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.

Thủy tổ của dòng họ Nguyễn Đình

Năm 2001, NXB Nghệ An cùng Hội đồng gia tộc đại tôn Nguyễn Đình tái bản lần thứ 2 cuốn Cương quốc công Nguyễn Xí tộc phả di huấn phụ lục.

Năm 1997 kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Xí, tỉnh Nghệ An phối hợp Trung tâm KHXHNV quốc gia tổ chức hội thảo về ông.

Năm 2005, Đài Truyền hình Việt Nam làm phim về Nguyễn Xí với tiêu đề Người hai lần khai quốc

Năm 2014, kỉ niệm 617 năm ngày mất của thái sư Nguyễn Xí, Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An đã làm phim về Đền thờ thái sư cường quốc công Nguyễn Xí và đền thờ thái úy Nguyễn Sư Hồi và được phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An.

Năm 2019 Trung tâm văn hóa Nghệ An hợp tác sản xuất vở chèo Cuộc đời thái sư Nguyễn Xí và Quốc phu nhân Lê Thị Ngoc Lan. Tháng 1 sản xuất phim dòng họ Hậu duệ Cương quốc công Nguyên Xí nơi Vân Tụ phường. Ngày 19/3 giới thiệu phim tài liệu Hậu duệ Cương quốc công Nguyên Xí nơi Vân Tụ phường. Chịu trách nhiệm nội dung: Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đình chi 13 phái Quỳnh Xuân. Kịch bản và lời bình: Nguyễn Vân Anh. Quay phim: Nguyễn Xuân Lực. Phụ quay: Đào Trọng Phương. Hãng phim Quê Hương. Thể hiện lời bình: NSƯT Lê Chức.

7. Tham khảo

– Internet

tapchisonghuong.com.vn

vi.wikipedia.org

– Ấn phẩm

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *