Ngô Xương Ngập (? – 954)
1. Thông tin
– Tên gọi: Ngô Xương Ngập (吳昌岌)
Tước hiệu: Thiên Sách vương (天策王)
– Chưa rõ năm sinh tại Đường Lâm, huyện Phúc Lộc, châu Giao, Tĩnh Hải quân (nay là huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội, Việt Nam)
Mất năm 954 (nay là Tp. Hà Nội, Việt Nam)
– Giới tính: Nam
– Quốc tịch: Tĩnh Hải quân
Dân tộc: Kinh
– Là chính trị gia thời Bắc thuộc và nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.
2. Hôn nhân và gia đình
a) Thân thế
– Ông nội là Ngô Đình Mân và bà nội là Phùng Thị Tịnh Phong
Ông ngoại là Dương Công Đĩnh và bà ngoại là Vũ Thị An
– Bố là Ngô Quyền
b) Hôn nhân và con cái
– Quan hệ gia đình với 2 vợ là ? và Phạm Thị Uy Duyên
– Có 2 người con trai: Ngô Xương Xí, Ngô Xương Tỷ
c) Hậu duệ
– Cháu nội: Ngô Xương Sắc, Ngô Ích Vệ
3. Cuộc đời và sự nghiệp
Con cả trong gia đình 4 anh em (Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, Ngô Càn Hưng và Ngô Nam Hưng)
Thời Bắc thuộc
Theo thần phả, từng tham gia đội quân của cậu là Dương Tam Kha trong trận đánh thành Đại La, diệt Kiều Công Tiễn
Năm 938 tham gia trận Bạch Đằng
Trong bản Ngọc phả về Tiền Ngô Vương Thiên tử xã Lương Xâm (nay thuộc phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng) có đoạn cho biết: Khi Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo với các tướng rằng:
– Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, mang quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, chí khí đã bị mất rồi. Ta lấy sức còn khỏe để địch với sức đang yếu, tất sẽ phá được địch.
Nói đến đây bỗng ở trong ban bộ có một người dâng lời, bảo rằng:
– Quân địch có lợi thế ở chiến hạm, ta chưa chuẩn bị trước thì thắng thua chưa biết thế nào. Xin vương cho trồng cọc ở hai bên cửa biển, khi nước thủy triều dâng lên, sai người lấy thuyền nhẹ giao chiến với quân địch, giả dạng thua chạy để mà đánh, tất quân của Hoằng Tháo tự như ngói mà tan vỡ!. -Vương cho là đúng, mới đưa mắt nhìn người nói, hóa ra là con trưởng Xương Ngập.
Không chỉ hiến mưu hay kế lạ, trong trận Bạch Đằng lịch sử, đích thân Ngô Xương Ngập trực tiếp chỉ huy một cánh quân đánh giặc.
Năm 939 (Kỷ Hợi) mùa xuân, Ngô Quyền lên ngôi, đóng đô ở Cổ Loa. Lập Ngô Xương Ngập làm Thái tử
Năm 944, cha mất, để lại di chúc ủy thác công việc cho em cậu là Dương Tam Kha, di chiếu cho Ngô Xương Ngập kế vị. Nhưng Dương Tam Kha cướp ngôi, tự lập mình làm vua, xưng Dương Bình Vương.
Ngô Xương Ngập sợ bị hại nên bỏ chạy. Đổi tên con trai là Ngô Xương Tỷ sang tên Ngô Chân Lưu và gửi vào cửa Phật tránh sự truy đuổi. Còn mình thì về nhà một hào trưởng là Phạm Chiêm (Phạm Lệnh Công) ở làng Trà Hương, Nam Sách, Hải Dương.
Dương Tam Kha ba lần sai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà Lệnh Công đòi bắt Ngô Xương Ngập, Lệnh Công che chở cho Ngô Xương Ngập, đã ba lần đưa Ngô Xương Ngập vào rừng núi Côn (Côn Sơn) mà trú ẩn nên không bắt không được.
Có lần, quân của Dương Tam Kha lùng tìm nhưng không được mới phóng hỏa hun khói mù mịt để Ngô Xương Ngập phải ra hàng, thế nhưng cũng thất bại. Từ đó người ta gọi tên núi là Hun Sơn
Cũng trong thời gian lánh nạn ở Trà Hương, Ngô Xương Ngập được sự quan tâm, chăm sóc của Phạm Thị Uy Duyên, người con gái xinh đẹp, đức hạnh của Phạm Chiêm. Dần dần, tình cảm của vị Thái tử sa cơ với người con gái xứ Đông đã nảy nở, ngày càng quyến luyến, sâu đậm. Biết con gái có tình cảm sâu đậm với Ngô Xương Ngập, Phạm Chiêm vui mừng tán thành, vun vén cho tình cảm của họ, ông đã đồng ý gả con gái cho Thái tử và chọn ngày lành tháng tốt tổ chức hôn lễ. Sau đó họ sinh con đầu lòng là Ngô Xương Xí.
Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn, con thứ hai của Ngô Quyền làm con nuôi. Từ khi Dương Tam Kha lấy ngôi của nhà Ngô, nhiều nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng thường đem quân đánh chiếm lẫn nhau.
Năm 950 (Canh Tuất) Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi dẹp loạn hai thôn Đường, Nguyễn. Được sự ủng hộ của một số tướng lĩnh, Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Giành lại ngai vàng cho nhà họ Ngô và xưng là Nam Tấn vương.
Năm 951 (Tân Hợi) Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập về kinh. Được Dương thái hậu chuẩn tấu, Ngô Xương Ngập cũng lên làm vua xưng là Thiên Sách Vương, lập Phạm Thị Uy Duyên làm Thị Tùng phu nhân. Lúc đó tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Sử gọi là Hậu Ngô Vương.
Đinh Bộ Lĩnh cát cứ ở Hoa Lư không chịu thần phục nhà Ngô. Bộ Lĩnh sai con trai trưởng là Đinh Liễn vào Cổ Loa làm con tin. Đinh Liễn đến, hai vua trách tội Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn, đem theo đi đánh Hoa Lư. Hơn một tháng trời, quân Triều đình không đánh nổi, hai Vua bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói:
– Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?
Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn. Hai vua Ngô kinh sợ nói:
– Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì?
Nói rồi không giết Liễn mà đem quân về.
Ngô Xương Ngập từ khi làm vua dần ham mê quyền lực, đua tranh với vua em nên dần bất hòa, chuyên quyền không cho Ngô Xương Văn tham gia chính sự. Ngô Xương Ngập còn định trừ Ngô Xương Văn để một mình làm vua.
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có đoạn: Bấy giờ Thiên Sách Vương chuyên quyền làm uy, [Nam Tấn] Vương không được dự chính sự nữa. Hai vương do đó hiềm khích với nhau
Năm 954, Ngô Xương Ngập bị thượng mã phong mà qua đời, làm vua được 4 năm.
4. Giải thưởng và tôn vinh
Đền thờ Ngô Xương Ngập ở Quang Đàm, An Hải (huyện cũ), tỉnh Hải Phòng, Việt Nam.
Đền Kê Lạc (đền Vương) ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
5. Tham khảo
– Internet
– Ấn phẩm
Ngọc phả về Tiền Ngô Vương Thiên tử
Đại Việt Sử ký Toàn thư
Bản Phả của Hán Quốc công Ngô Lan (Đinh Dậu 1477, niên hiệu Hồng Đức Lê Thánh Tông)