Thể thơ xonnet

1. Thông tin

– Tên: Thể thơ xonnet

– Soạn giả: Phong Lục

Giảng viên: Long Phúc

– Giá khóa học: Miễn phí

2. Sơ lược

Được gọi theo tiếng Pháp là xonnet, với nguyên gốc từ tiếng Ý là sonetto, có nghĩa là bài hát nhỏ. Tiếng Anh, tiếng Nga và hầu hết các thứ tiếng khác đều đọc là xônét, ở Việt Nam quen gọi theo tiếng Pháp là xônê

Từ một bài thơ Old Provençal với thể loại sonet có nguồn từ chữ bài hát son, từ gốc sonus nghĩa là âm thanh. Đến thế kỷ thứ XIII, sonnet được chuẩn hóa thành một bài thơ mười bốn dòng với một luật gieo vần nghiêm ngặt và một cấu trúc nhất định. Các từ liên quan đến sonnet đã phát triển gắn liền với lịch sử. Nhà thơ chuyên viết sonnet đôi khi được gọi là sonneteers, mặc dù thuật ngữ này có thể được sử dụng với nghĩa nhạo báng.

Người sáng tạo ra nó có thể là Giacomo Da Lentini, được hoàn thiện bởi những nhà thơ xứ Provence ở Pháp và trở lại củng cố phát triển tới đỉnh cao nhất trong tác phẩm của các nhà thơ Italia vĩ đại thời Phục Hưng, là Ðăngtơ và Pêtrac.

Từ thế kỉ thứ XVI bắt đầu lan sang các nước châu Âu khác, trong đó có Anh. Lúc đầu các nhà thơ Anh viết theo hình thức cổ điển Italia (nhiều bài đơn thuần chỉ là bản phỏng dịch các tác giả nước ngoài), nhưng dần dần họ tạo được cho mình một hình thức riêng, gọi là sonnet Anh, gồm ba khổ bốn câu (abab – cdcd – efef) và hai câu kết (gg). Shakespeare đã viết các bài thơ sonnet của mình theo cách phân khổ và gieo vần này, nên nó còn được gọi là thể thơ sonnet Shakespeare.

Từ ngày ra đời đến nay, sonnet đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự phát triển và áp dụng thực tế vào sáng tác của nhiều nhà thơ đủ mọi thời đại và dân tộc. Ðã xuất hiện nhiều thay đổi, biến dạng trong kết cấu và hệ thống gieo vần. Thậm chí có nhà thơ còn viết sonnet bằng thơ không vần, và từ rất nhiều các quy tắc nghiêm ngặt của xônê cổ điển, chỉ còn giữ lại vẻn vẹn một yếu tố hình thức là mười bốn câu trong một bài. Trường hợp không gieo vần là biến thể, theo kiểu những người sáng tác sonnet hiện đại phá cách.

Mặc dù bị gò bó và bị chi phối bởi những ràng buộc về hình thức và bố cục như vậy, qua thực tế sáng tác, sonnet vẫn tỏ ra là một thể thơ có sức sống mãnh liệt, và cho đến nay, khi trong thơ và nghệ thuật nói chung đang có xu thế phá vỡ các khuôn mẫu cổ điển cũ để tìm những hình thức diễn đạt mới phù hợp với thời đại, nó vẫn được nhiều nhà thơ khắp nơi trên thế giới yêu thích, nhất là khi cần phải bộc lộ những khía cạnh trữ tình và triết lí trong suy nghĩ của người viết.

Cũng nên nói thêm là các nhà thơ sonnet cổ điển còn xây dựng một hình thức thơ mới, gọi là Chùm sonnet với những ràng buộc về hình thức còn chặt chẽ hơn, bao gồm mười lăm bài sonnet Italia, câu đầu của bài sau phải là câu cuối của bài trước; và sonnet cuối cùng, bài kết, gồm mười bốn câu đầu tiên của những bài còn lại theo thứ tự, trong khi sonnet thứ mười bốn phải được bắt đầu bằng câu cuối và kết thúc bằng câu đầu của sonnet thứ mười lăm! Ðây là một trong những hình thức thơ khó nhất, phức tạp và chặt chẽ nhất trong thơ có luật của châu Âu. Tuy thế, nhiều nhà thơ, kể cả các nhà thơ hiện đại, đã mạnh dạn viết và viết thành công thể thơ này.

3. Kết cấu

Sonnet cổ điển Italia được chia thành bốn khổ, hai khổ bốn câu và hai khổ ba câu, với hệ thống gieo vần như sau:

abba – abba – ccd – ede,
hoặc abab – abab – ccd – eed.

Ngoài ra còn có các cách phân bố vần như:

– Vần bằng phẳng: AA BB CC;

– Vần chéo: AB AB CDCD;

– Vần ôm: ABBA CDDC

– Vần lặp (lặp lai ít nhất 3 lần: AAAB (LTP).

Gieo vần theo thói quen:

– Vân âm kết thúc bằng âm e

– Vần dương kết thúc bằng âm khác

Trong khổ thứ nhất, mà ngay câu đầu tiên, tác giả phải trình bày chủ đề bài thơ, nghĩa là giới thiệu với người đọc những gì mình định nói, và chủ đề ấy sẽ được phát triển tiếp ở khổ thứ hai. Trong hai khổ ba câu còn lại, tác giả sẽ trình bày cách giải quyết vấn đề đã nêu ở hai khổ trên và những kết luận rút ra từ suy nghĩ của người viết.

4. Tham khảo

a) Internet

ngoxuanphuc1980.wordpress.com

vi.wikipedia.org

b) Ấn phẩm

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *