Thể khúc tử từ

1. Thông tin

– Tên: Thể khúc tử từ (曲子词)

Tên khác: Nhạc phủ, trường đoản cú, nhạc chương, ca khúc, thi dư,…

Tên viết tắt: Từ (词 [, /tz’ŭ/] hay 辭 hay 辞)

– Soạn giả: Phong Lục

– Giảng viên: Long Phúc

2. Sơ lược

Thể khúc tử từ xuất phát từ cổ thi dân gian ở Đôn Hoàng (Cam Túc, Trung Quốc), phát triển theo sự phồn vinh của kinh tế thành thị ở đời Đường, cùng sự phát đạt của âm nhạc (nước Yên) thời bấy giờ. Dung hợp các yếu tố Nhã nhạc với Tục nhạc.

Thời kỳ đầu, từ là một loại thơ, nhưng lại có mối liên hệ với âm nhạc (gọi là từ bài), được các ca sĩ, nhạc công sống bằng nghề đàn hát lấy ở bài hát dân gian hoặc thơ tuyệt cú của văn nhân. Đến thời Vãn Đường mới thành một thể độc lập và phát triển mạnh vào đời Tống (Trung Quốc)

Thuyết văn giải tự có thuyết giải: Từ, ý nội nhi ngôn ngoại dã (Từ, ý bên trong mà thể hiện ra bên ngoài).

Thuyết văn giải tự chú, Đoàn Ngọc Tài (đời Thanh) có giải thích: Từ (词) và từ (辞) khác hẳn nhau… Từ (辞) là thiên chương, còn từ (词) là ý ở trong mà thể hiện ra lời ở ngoài… Tích góp chữ nghĩa tạo nên thiên, chương; tích góp từ (词) mà tạo nên từ (辞). Như vậy, nguyên thủy, từ (词) chỉ mang ý nghĩa là “từ ngữ”, “từ vựng”. Ý nghĩa này dần chuyển biến theo hướng mang ý nghĩa văn học có lẽ sớm nhất là Sở từ. Ở trong Sở từtừ (辞) và từ (词) đôi chỗ dùng thông. Đến đời Hán, ngoài thi nhân (诗人) còn có từ nhân (词人), chỉ những nhà làm từ phú theo hướng Sở từ. Đến Tề, Lương, nhà văn gọi là từ nhân (辞人), cũng có khi gọi là từ nhân (词人), như trong Văn tuyển tự, Tiêu Thống dùng chữ “từ nhân tài tử” (]词人才子) để chỉ các nhà văn. Còn từ (词) liên hệ với ca từ thì bắt đầu từ Nhạc phủ. Thiên Nhạc chí trong Tống thư có ghi Đoản ca hành là từ (词) của Vũ Đế, Yên ca hành là từ (词) của Văn Đế… Tóm lại, đến thời Lục triều, từ (词) có xu hướng thiên về ca từ. Từ đời Đường trở về sau, từ (词) dần phát triển thành thể loại văn học riêng, vì vốn có đặc trưng phối vào nhạc nên nó được đưa vào tên các khúc từ. Vì vậy tên đầy đủ của nó là Khúc tử từ. Khúc biểu thị nhạc, từ biểu thị lời. Đến đời Tống, từ (词) là một thể loại văn học độc lập. Ngoài tên gọi từ, nó còn nhiều tên khác như Nhạc phủ, trường đoản cú, nhạc chương, ca khúc, thi dư

Trong sách Mộng Khê bút đàm, Thẩm Quát có viết: Từ năm Thiên Bảo thứ 13 đời Đường (754), bắt đầu ban chiếu hợp tấu chính nhạc (pháp khúc) với “Hồ bộ”, từ đó nhạc tấu sai hẳn với phép cổ. Nhạc của tiên vương là Nhã nhạc, nhạc mới của đời trước là Thanh nhạc, nhạc hợp với Hồ bộ là Yến nhạc. 

Nhã nhạc là nhạc thời Tiên Tần, thanh nhạc còn gọi là thanh thương khúc là nhạc thời Ngụy Tấn, Lục triều; Yến nhạc là nhạc từ Tùy Đường về sau, lấy Hồ nhạc, trước hết là nhạc truyền từ Tây Vực vào, làm chủ, kết hợp với thanh nhạc Trung nguyên truyền thống và ca khúc dân gian. Xét từ góc độ lịch sử văn học, âm nhạc, thì ca từ phối hợp với Nhã nhạc là Kinh thi, với thanh nhạc là Nhạc phủ, với Yến nhạc là Khúc tử từ.

Sách Nhạc phủ dư luận của Tống Tường Phượng có nói: Dùng văn viết ra là từ, dùng thanh so vào là khúc, đã chỉ rõ được đặc điểm văn học âm nhạc của từ. Nhưng từ không giống như Kinh thi và Nhạc phủKinh thi và Nhạc phủ có lời trước rồi sau mới phối vào khúc điệu còn từ thì căn cứ vào nhạc điệu có sẵn mà viết lời, nên sáng tác từ còn gọi là “điền từ”, tức là căn cứ vào quy định của từ điệu – “điệu hữu định cú, cú hữu định tự, tự hữu định thanh” (điệu có số câu nhất định, câu có số chữ nhất định, chữ có thanh nhất định) mà điền lời vào thôi.

Yến nhạc là “nhạc trên tiệc rượu”. Ngoài tên bản nhạc, do đặc trưng phối hợp vào nhạc để diễn xướng nên về hình thức, từ phải tuân thủ theo điệu. Có rất nhiều từ điệu, trong mỗi điệu lại bao gồm mấy thể như điệu Trúc chi từ có thể 14 chữ và 28 chữ, lại phân chia bằng trắc…

Theo thống kê trong Ngự chế từ phảtừ có tất cả 826 điệu 2306 thể. Nhưng theo liệt kê của Trung Quốc từ học đại từ điển thì có tới 2069 điệu. Mỗi điệu số chữ cũng rất khác nhau, điệu ngắn nhất như Trúc chi từ có 14 chữ, điệu dài nhất như Oanh đề tự có 240 chữ. Căn cứ vào độ dài ngắn khác nhau mà từ điệu chia ra: lệnh, dẫn, cận, mạn.

Tống Tường Phượng trong Nhạc phủ dư luận có viết: Từ trước có Tiểu lệnh, sau Tiểu lệnh được kéo dài ra, gọi là dẫn, như Dương quang dẫn, Giang thành mai hoa dẫn, cũng lại gọi là cận, như Chúc Anh Đài cận, Tố trung tình cận… là vì âm điệu gần nhau nên kéo ra; kéo dài nữa ra gọi là mạn – mạn nghĩa là dài, như Mộc lan hoa mạn, Trường đình oán mạn, Bái tinh nguyệt mạn… tất cả đều bắt đầu từ Lệnh.

Mao Tiên Thư đời Thanh, trong sách Điền từ danh giải thì phân biệt: Năm mươi tám chữ trở xuống gọi là Tiểu Lệnh, năm mươi chín chữ đến chín mươi chữ thì gọi là Trung Lệnh, chín mươi mốt chữ trở lên là Trường điệu.

Kết cấu của từ có:

  • Đơn điệu còn gọi là đơn phiến, chỉ có một đoạn. 
  • Song điệu chia ra hai đoạn, gọi là Thượng, Hạ phiến. Từ đa số là song điệu. 
  • Tam điệu, Tứ điệu quá dài, không thích hợp trong diễn xướng nên chiếm số lượng rất ít. Và vì từ dùng trong diễn xướng nên đặc biệt yêu cầu hợp vận luật bằng – trắc, thanh luật quy định rất nghiêm ngặt.

Nữ từ nhân Lý Thanh Chiếu đời Tống có viết: Thơ văn chia bằng trắc mà Ca từ chia ngũ âm, lại chia ngũ thanh, lại chia lục luật, lại chia trong, đục, nặng, nhẹ.

Các câu trong từ cũng so le không đều, mỗi câu từ 1 đến 10 chữ. Về mặt nội dung, theo quan niệm truyền thống, “Thơ để nói chí, Từ để tả tình”, mà tả tình chủ yếu là “tư tình nhi nữ”. Nói chung, do từ khởi từ tiệc rượu, dùng cho ca kĩ diễn xướng để đưa rượu làm vui, cho nên nội dung phần nhiều là những lời thướt tha, diễm lệ.

Thẩm Tường Long trong Luận từ tùy bút có viết: Bàn học vấn, thuật công đức có thể đưa vào từ được không? như bài Bắc chinh của Thiếu Lăng (Đỗ Phủ), bài Vịnh trống đá của Xương Lê (Hàn Dũ) có thể dùng từ được không?

Vương Quốc Duy đã khái quát: Từ có thể thể hiện những điều mà thơ không thể thể hiện được nhưng không thể hiện được hết những điều mà thơ thể hiện được […] Về mặt tình, có chỗ văn không thể thấu đạt, thơ không thể nói tỏ mà chỉ có ở trong Trường đoản cú (Từ) có thể hình dung một cách uyển chuyển, hàm súc.

Từ Đôn Hoàng hiện đã tìm thấy và chỉnh lí được khoảng 500 bài, chủ yếu là tác phẩm từ dân gian. Nội dung từ Đôn Hoàng tương đối rộng, đặc biệt là miêu tả tình cảm của chinh nhân thương nhớ quê nhà, nỗi khổ trong chiến loạn, ca nhân, kĩ nữ… phong cách phác thực. Một trong những tập từ Đôn Hoàng là Vân dao tập, 30 bài, phong cách chất phác, có Tiểu lệnh, có Trường điệu. Trong 30 bài sử dụng 13 từ điệu, trong đó có 12 từ điệu thấy trong Giáo phường ký, cho thấy các nhạc khúc đương thời lưu hành biến chuyển thành từ điệu. Từ Trung Đường về sau, các văn nhân có làm từ đã tiến hành “nhã hóa” từ dân gian.

Sách Mộng Khê bút đàm – quyển 5 có viết: Người đời Đường dùng từ điền vào khúc […] Vào khoảng niên hiệu Trinh Nguyên, Nguyên Hòa, người làm từ đã nhiều – nhưng thực tế văn nhân thời Trung Đường chỉ thỉnh thoảng làm vài bài từ – tương truyền hai bài Bồ tát man và Ức Tần Nga của Lý Bạch được tôn là “Bách đại từ khúc chi tổ” (tổ của từ khúc trăm đời), nhưng còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng về văn bản, tác giả. Từ của văn nhân thực tế bắt đầu hưng thịnh từ Vãn Đường, Ngũ Đại, đại biểu là Hoa gian tập. Nội dung từ thời Đường, Ngũ Đại phản ánh tình cảm tinh tế của sĩ đại phu, văn nhân, nội dung không phong phú như từ Đôn Hoàng.

Ôn Đình Quân là đại biểu từ gia trong Hoa gian tập. Ông tinh thông âm luật, “có thể theo âm đàn hát, viết lời diễm lệ”, có cống hiến quan trọng trong việc quy phạm hóa từ. Và cũng bắt đầu từ Ôn Đình Quân mới có văn nhân chuyên tâm dồn sức viết từ. Từ của Ôn Đình Quân cực thướt tha diễm lệ. Tập từ của ông mang tên Hương thuyên tập với ý “phấn hương tha thướt”. “Thướt tha diễm lệ” là đặc trưng của phong thái từ Hoa gian, có phần kế thừa “cung thể” Tề – Lương. Tác giả lớn thứ hai trong Hoa gian tập là Vi Trang. Ông dùng bút pháp giản phác, đạm bạc miêu tả chân tình. Văn nhân dùng từ làm công cụ tả tình, khiến từ dần thoát li âm nhạc có thể sớm nhất là Vi Trang.

Hoa gian tập có địa vị cực cao trong lịch sử thể từ. Trần Chấn Tôn trong Thực Trai thư lục đề giải – quyển 21 xưng tụng tác phẩm này là “cận thế y thanh điền từ chi tổ”. Về mặt hình thức, các tác phẩm trong Hoa gian tập có xu hướng quy phạm hoá về mặt cách luật, quy phạm bằng trắc trong mỗi điệu từ đi vào nghiêm ngặt, có cống hiến lớn cho sự phát triển từ luật. Đối với lịch sử thể từHoa gian tập được xem là mẫu mực. Từ của văn nhân hưng thịnh vào Vãn Đường, Ngũ Đại có địa vực chủ yếu ở miền Nam, đặc biệt là Nam Đường và Tây Thục. Từ Tây Thục chủ yếu theo phái Vi Trang, đại biểu là Triệu Sùng Tộ, phong cách từ diễm lệ “chạm châu khắc ngọc, tỉa lá xén hoa”… Từ Nam Đường tiêu biểu có Phùng Diên Dĩ và Lý Dực. Từ họ Phùng uyển chuyển, hàm súc, “mở phong khí cho Bắc Tống” (Nhân gian từ thoại). Lý Dực là Hậu chủ Nam Đường, sau khi bị bắt về Tống, quốc phá gia vong, tình cảnh bi thương thể hiện ra từ, đoạn tuyệt hẳn phong cách diễm lệ, dùng thủ pháp trực tả, thể hiện tình cảm bi sầu thê thảm, đạt đến trình độ khá cao.

Đời Tống là thời kì từ đạt đến toàn thịnh. Toàn Tống từ do Đường Khúc Chương biên tập thu được hơn 20 ngàn bài của hơn 1400 tác giả, với nhiều phái, nhiều phong cách, trở thành “Văn học của một thời đại” (Vương Quốc Duy) sánh cùng Sở tao, Hán phú, Đường thi, Nguyên khúc

Tống từ có thể chia ra hai giai đoạn: Bắc Tống và Nam Tống. Từ thời đầu Bắc Tống kế thừa nhiều ở từ đời Đường, Ngũ Đại, từ Nam Tống thì thuần Tống điệu. Từ Bắc Tống coi trọng cả điệu dài và điệu ngắn, các điệu đều có tác phẩm hay, từ Nam Tống nghiêng về trường điệu. Từ Bắc Tống phần nhiều dùng trong ca xướng, thanh điệu uyển chuyển. Từ Nam Tống phần nhiều dùng trong thù phụng, thể chế nhã chính. Đó là một số nét khái quát nhất.

Các tác giả từ tiêu biểu thời đầu Bắc Tống có Yến Thù, Trương Tiên, Liễu Vĩnh… về cơ bản vẫn kế thừa phong cách diễm lệ lụa là hương phấn đời trước, sở trường điệu ngắn, vịnh cảnh, tả tình, ngôn ngữ thanh tân hoa mĩ. Liễu Vĩnh là tác gia từ có cống hiến quan trọng, đặc biệt trong việc phát triển từ điệu dài (mạn từ). Tập từ Nhạc chương của ông có hơn 200 bài thì hơn 100 bài là trường điệu. Ngay cả những Tiểu lệnh trong Giáo phường khúc và Đôn Hoàng khúc đến ông cũng thường diễn thành trường điệu, như điệu Trường tương tư vốn có 36 chữ, ông kéo dài thành 103 chữ; điệu Lãng đào sa vốn có 54 chữ, ông kéo thành 144 chữ… Việc phát triển từ trường điệu có ý nghĩa lớn trong việc đề cao khả năng biểu hiện của từ. Về mặt ngôn ngữ, Liễu Vĩnh cũng đưa vào từ nhiều yếu tố dân gian, thông tục, “tục hoá” từ, từng bị Lý Thanh Chiếu chê là “từ ngữ trần tục”. Trên thực tế, từ Liễu Vĩnh đã kết hợp một cách hài hoà giữa yếu tố nhã với yếu tố tục, được ưa chuộng rộng rãi.

Tác gia từ lớn giai đoạn giữa Bắc Tống là Tô Thức (Tô Đông Pha). Ông chủ yếu khai thác nội dung tư tưởng của từ, khiến cho từ (vô ý bất khả nhập, vô sự bất khả ngôn” (không có ý gì mà không thể đưa vào, không có việc gì mà không thể nói). Cống hiến chủ yếu của Tô Thức là sáng tạo ra phong cách hào phóng và khoáng đạt trong từ. Như bài từ như Niệm nô kiều, Xích Bích hoài cổ: “Đại giang đông khứ…” chứa đựng cả non sông, lịch sử, nhân vật vào một chốn, được xem là “thiên cổ tuyệt xướng” của từ phái hào phóng. Người đương thời gọi thủ pháp điền từ của Tô Thức là “dĩ thi vi từ” (dùng thơ làm từ). Sách Hậu sơn thi thoại viết: “Tử Chiêm dùng thơ làm từ”. Sách Bích Khê mạn chí – quyển 2 của Vương Chước nói từ của Đông Pha là “thơ ở trong Trường đoản cú”. “Dĩ thi nhập từ” là lấy phong cách hùng hồn, phiêu dật của thơ và cách thức đưa sinh hoạt, cảnh vật vào thơ thời thịnh Đường vào làm từ khác hẳn với phong cách từ của Án Thù, Âu Dương Tu, Liễu Vĩnh, thoát ra khỏi phong cách thướt tha diễm lệ vốn có của từ.

Cuối Bắc Tống có một số đại tác gia làm Từ như Triều Bổ Chi, Hoàng Đình Kiên, đặc biệt là Tần Quán và Chu Bang Ngạn. Từ của Tần Quán tinh mĩ, thanh tân, diễm lệ, hợp âm luật. Từ của Chu Bang Ngạn sở trường về phô bày, chú ý kết cấu bố cục, trọng điển nhã, hoa mĩ, có xu hướng “phú hoá” đối với từ.

Thời Bắc Tống có thể chia làm 4 thời kỳ:

  • Mới đầu chịu ảnh hưởng của thời Ngũ Đại Thập Quốc, nên diễm lệ, tình tứ và ngắn (tiểu từ) Đại diện là Án Thù và Âu Dương Tu.
  • Thời thứ 2, xuất hiện lối mạn từ, nhưng vẫn là lời diễm lệ để tả nhưng tình thương nhớ, sầu tủi. Đại diện là Liễu Vĩnh, Trương Tiên, Tần Quan, Chu Bang Nhan.
  • Thời thứ 3 là chủ trương bỏ niêm luật, không cần theo âm nhạc, chỉ cần lời hào hùng. Đại diện là Tô Thức, Hoàng Đình Kiên.
  • Cuối cùng, thấy phóng túng quá, khó ca quá nên lại bắt lời phải theo âm nhạc. Đại diện là Tống Huy Tông, Lý Thanh Chiếu

Tác gia từ tiêu biểu đầu Nam Tống có Trương Nguyên Cán, Trương Hiếu Tường, Chu Đôn Nho và đặc biệt là nữ từ nhân Lý Thanh Chiếu. Những tác gia này ở trong giai đoạn thời Bắc – Nam Tống. Thời Bắc Tống, họ lại viết từ hoa mĩ, diễm lệ. Sau khi đất nước bị xâm lược, quốc đô dời xuống phương Nam, trước cảnh loạn li, các từ gia phần nhiều gửi gắm tình cảm ái quốc, bi phẫn vào từ như từ của Lý Thanh Chiếu mang nhiều “chí khí trượng phu”, qua miêu tả cái sầu của bản thân mà gửi gắm nỗi niềm bi thương cố quốc. Từ của bà kết hợp được phong cách thanh tân chất phác với ngôn ngữ tinh mĩ điển nhã, có sức truyền cảm rất lớn.

Giữa Nam Tống là thời cực thịnh của từ, đặc biệt phát triển các phái từ ái quốc và hào phóng, xuất hiện đại từ nhân Tân Khí Tật. Tân Khí Tật còn để lại cho đến nay 629 bài từ, là tác giả viết từ nhiều nhất ở đời Tống, nổi tiếng là “hào khí từ”, kết hợp một cách tuyệt diệu nội dung yêu nước nồng nàn với phong cách hào phóng, trở nên tác gia kiệt xuất bậc nhất, có thể sánh với thơ yêu nước của Lục Du.

Cuối Nam Tống xuất hiện hai phái từ lớn mang phong cách khác nhau: phái tao nhã do Khương Quỳ khởi xướng, Ngô Văn Anh, Vương Nghi Tôn, Trương Viên kế tục… Tân phái kế thừa từ của Tân Khí Tật với các từ gia như Lưu Khắc Trang, Lưu Thần Ông, Văn Thiên Tường… Tao nhã phái phần nhiều mang nội dung trữ tình, đặc biệt là tình cảm ai oán, cách viết trọng kĩ xảo, âm luật, rèn dũa câu chữ. Tân phái chủ yếu là mô tả cảnh chiến tranh và tâm trạng vong quốc, phong cách hào phóng. Cả hai phái đều có thành tựu, nhưng không có kế thừa và phát triển nên đến đây, Tống từ bắt đầu đi vào suy vi. Xét về lịch sử từ thể thì thực sự cũng đã qua thời cực thịnh.

Thời Kim, Nguyên, Minh, từ đi vào suy vi, cho dù số lượng tác phẩm vẫn rất lớn. Toàn Kim Nguyên từ thu lục 7293 bài của 282 tác gia. Toàn Minh từ thu lục 18 ngàn bài của 1300 tác giả, xấp xỉ Toàn Tống từ. Biểu hiện suy vi chủ yếu ở chỗ số tác gia từ có thành tựu rất hiếm, cũng ít xuất hiện các lưu phái và phong cách đặc sắc.

Thời Kim có một số tác gia từ như Ngô Kích, Sái Tùng Niên, Triệu Bỉnh Văn, đặc biệt là Nguyên Hiến Vấn với phong cách từ khoáng đãng thanh tân, tạo ảnh hưởng khá lớn.

Từ Đàm đời Nguyên chủ yếu chịu ảnh hưởng của Nguyên Hiến Vấn. Có một số tác gia có thành tựu như Gia Luật Sơ Tài, Lưu Bỉnh Trung, Bạch Phác, Cừu Viễn, Lưu Nhân, Trương Chử, Hứa Hữu Nhâm…, chịu ảnh hưởng hoặc Khương Quỳ, hoặc Tô Thức, Tân Khí Tật, phần nhiều mang phong cách hào phóng.

Thời Minh không có những từ gia lớn hay những tác gia chuyên từ nhưng có thành tựu nhất định về nghiên cứu. Từ học, biên soạn Từ phả, Từ vận như Thi dư đồ phả của Trương Diên, Hội văn Đường từ vận của Hồ Văn Hoán, Từ thể minh biện của Từ Sư Tăng, Từ phẩm của Dương Thận… Các tác gia từ đáng kể có Dương Cơ, Cao Khải, Lưu Cơ, Dương Thận, Vương Thế Trinh, Thang Hiển Tổ, Nhiếp Đại Niên, Trần Tử Long, Hạ Hoàn Thuần…

Thời Thanh là thời trung hưng của từ, biểu hiện ở số tác gia, tác phẩm tăng mạnh. Toàn Thanh từ biên soạn thời Thuận Trị, Khang Hy đã thu được hơn 50 ngàn bài của hơn 2000 tác giả. Theo các nhà nghiên cứu ước đoán, tổng lượng từ đời Thanh khoảng hơn 200 ngàn bài với hơn 10 ngàn tác giả. Việc nghiên cứu từ học phát triển cực thịnh. Về cách luật, có Từ luật của Vạn Thụ, Khâm định từ phả của Vương Địch Thanh; về bình luận có Nghệ khái của Lưu Hy Tái, Bạch Vũ trai từ thoại của Trần Đình Tráo, Nhân gian từ thoại của Vương Quốc Duy…; tuyển tập có Từ tổng của Chu Di Tôn, Cường thôn tuỳ thư của Chu Tổ Mưu…

Thời Nam Tống lại chia làm 2 phái:

  • Phái Bạch thoại: Chủ trương lời bình dị mà tư tưởng cao khiết. Đại diện là Tân Khí Tật, Lục Du
  • Phái Nhạc phủ: Chú trọng đến âm nhạc mà bỏ đi phần nội dung. Đại diện là Trương Viêm, Chu Mật.

Khoảng thời gian này được vua chúa đến người dân đều yêu thích, vì nó ca được và không bị niêm luật câu thúc như thơ, lại dễ biểu tình, đạt ý hơn thơ.

Tác gia nổi tiếng đầu Thanh có Trần Duy Tung, Chu Di Tôn, Nạp Lan Tính Đức. Trần Duy Tung là đại biểu của Dương tiễn phái, còn để lại 1800 bài từ, phong cách hào sảng theo Tân Khí Tật. Chu Di Tôn là đại biểu từ gia của Chiết Tây phái, chủ yếu theo phong cách cao nhã của Khương Quỳ, Trương Viêm. Từ của Nạp Lan Tính Đức tình cảm u uất, phong cách thanh tân theo Tần Quán, Lý Dực.

Giữa Thanh hưng khởi từ phái Thường Châu với các đại biểu Trương Huệ Ngôn, Chu Tế, nhấn mạnh kí thác “ý nội ngôn ngoại”. Cuối Thanh, trước tình cảnh đất nước nội ưu ngoại hoạn, từ mang nội dung ưu quốc, ái dân, bi thảm, mẫn thế phát triển mạnh. Những tác gia nổi tiếng như Vương Bằng Vận, Văn Đình Thức, Huống Chu Di, Chu Tổ Mưu tổ chức thành Tuyên Nam từ xã, chuyên sáng tác từ thể hiện nỗi niềm cảm thương thế sự. Các nữ tác giả từ đời Thanh cũng phát triển mạnh với số lượng lớn, có một số tác giả đáng chú ý như Ngô Tảo, Cố Xuyên, đặc biệt là Thu Cận – chiến sĩ cách mạng dân tộc dân chủ cuối Thanh. Từ của bà tráng chí hào hùng, mãnh liệt, xứng đáng là “nữ trung anh kiệt” của các từ gia.

Thời cận, hiện đại vẫn xuất hiện nhiều tác gia từ có thành tựu, mới mẻ cả về nội dung, ngôn từ và phong cách. Trong đó Mao Trạch Đông, tuy sáng tác từ không nhiều nhưng với thành tựu đặc biệt, đã có vị trí xứng đáng trong từ sử.

3. Kết cấu

Thể thơ từ rất ít khi tác giả sử dụng (theo cách đặt nhan đề) trong thơ Việt cổ. Với thơ Đường, thể thơ Từ thường đề cập đến những vấn đề gần gũi, có tính chất cộng đồng, chủ thể trữ tình thường thiên về tả với tâm trạng hào sảng; do đối tượng được đề cập chỉ cần phác họa vài nét cần thiết, nên Từ thường sử dụng các thể thơ ngắn (như tứ tuyệt)

Thể thơ từ có số chữ trong bài cố định, câu dài ngắn, và phối hợp chặt chẽ với âm nhạc. Cách luật nghiêm nhặt và số chữ cố định.

Theo hình thức thì có hai lối từ: tiểu từ (ngắn) và mạn từ (dài).

Đời Tống có khoảng 870 điệu từ với những biến thể của chúng. Tên điệu từ thoạt đầu chính là đề tài của tác phẩm.

Ví dụ: Dương liễu chi để vịnh liễu

Lăng đạo sa để vịnh cát

Đạp ca từ để tả điệu múa

Mỗi điệu từ có một từ phổ. Điệu ngắn nhất là Trúc chi từ (14 chữ), dài nhất là Oanh đề tự (240 chữ). Những điệu tương đối dài, thường chia làm hai đoạn, công thức có thể giống nhau hoặc hoàn toàn khác nhau. Số chữ trong câu có thể dài trên mười chữ, cũng có thể chỉ là một chữ.

Luật bằng trắc của từ rất chặt chẽ. Một bài có thể dùng nhiều vần. Vần có trắc hoặc bằng, hoặc cả hai (xen kẽ); Các bài chủ yếu gieo vần bằng như Cán khê sa, Lãng đào sa, Nhất tiễn mai… và chủ yếu gieo vần trắc ở Ức tần nga, Như mộng lệnh, Nguyễn lang quy… Trình tự gieo vần ở từ cũng rất đa dạng, có thể là vần liền, vần gián cách, vần ôm…

  • Đặc điểm đối tượng được đề cập mạnh về các vấn đề, cảnh huống quen thuộc. Phần đa thể hiện những vấn đề cá nhân.
  • Tâm trạng chủ thể trữ tình, và có giọng hào sảng khá lớn.
  • Cách thể hiện đối tượng thường theo cách kết hợp
  • Thể thơ lại có vẻ thích hợp và được áp dụng với thể thất ngôn tứ tuyệt.

Theo lịch sử của thể thơ từ đã xuất hiện những phái riêng biệt như:

  • Phái Hoa gian: Ôn Đình Quân, Vi Trang,…
  • Phái Cách luật; phái Uyển ước: Chu Bang Ngạn, Lý Thanh Chiếu,…
  • Phái Hào phóng: Tô Thức, Tân Khí Tật,…

4. Một số tác phẩm tiêu biểu

Hoa gian tập (Tống tập từ của văn nhân đầu tiên)

Vương lang quy – Khuông Việt (Bài thơ từ sớm nhất ở Việt Nam hiện còn)

Thu phong từ – Lưu Triệt

Bần phụ từ – Nguyên Kết

5. Tham khảo

– Internet

dutule.com

tapchisonghuong.com.vn

thivien.net

phebinhvanhoc.com.vn

– Ấn phẩm

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *